Viễn thám là công nghệ sử dụng dữ liệu từ vệ tinh hoặc máy bay để thu thập thông tin về bề mặt Trái Đất. Khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ , TP.HCM, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và bảo vệ môi trường . Ứng dụng viễn thám giám sát biến động rừng Cần Giờ mang lại nhiều lợi ích đáng kể
Mục lục nội dung
Ứng dụng viễn thám giám sát biến động rừng Cần Giờ
Tổng quan
Trên thế giới, khoa học công nghệ đang là nền tảng và động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một đất nước. Trong đó viễn thám là một công nghệ mới có khả năng ứng dụng trong quản lý về tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng, khoáng sản và giám sát bảo vệ môi trường góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Viễn thám là một khoa học nghiên cứu các phương pháp thu nhận, đo lường và phân tích thông tin đối tượng mà không có những tiếp xúc trực tiếp với chúng[1]. Về bản chất, viễn thám là công nghệ nhằm xác định và nhận biết các đối tượng hoặc các điều kiện môi trường thông qua các đặc trưng riêng về phản xạ hoặc bức xạ điện từ.
Ở nước ta hiện nay, việc quản lý biến động tài nguyên thiên nhiên đang là nhu cầu cấp thiết. Sự phát triển của đất nước, nhu cầu của xã hội ngày càng cao đó là những nguyên nhân dẫn đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Trong đó, rừng là một tài nguyên quan trọng của một quốc gia và việc quản lý, giám sát biến động là một công việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, ứng dụng kỹ thuật viễn thám vào lâm nghiệp đã được nghiên cứu và thực hiện nhiều nước trên thế giới và một số khu vực ở Việt Nam đem lại kết quả rất tốt.
Tại hội nghị Viễn Thám châu Á lần thứ 18 được tổ chức tại Kualalampur – Malaysia năm 1997 có nhiều báo cáo liên quan đến vấn đề ứng dụng viễn thám vào lâm nghiệp. Hội nghị Viễn Thám châu Á lần thứ 19 được tổ chức Minila- Philippines từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 11 năm 1998 cũng có nhiều báo cáo về sử dụng ảnh vệ tinh vào xây dựng bản đồ lâm nghiệp, theo dõi biến động rừng của các nước như : Nhật Bản, Malaysia, Philippin, Thái Lan.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào lâm nghiệp khá sớm và là một trong những ngành đầu tiên. Từ năm 1958 đã sử dụng ảnh máy bay đen trắng toàn sắc tỷ lệ 1/30.000 để phục vụ điều tra rừng gỗ trụ mỏ khu Đông Bắc. Ứng dụng ảnh vệ tinh trong lâm nghiệp đã thử nghiệm từ những năm 1976 với ảnh Landsat MMS và đến năm 1979 chính thức bắt tay vào xây dựng bản đồ rừng từ ảnh vệ tinh cho cả nước tỷ lệ 1/1.000.000. Sau đợt tổng kiểm kê rừng lần cuối cùng vào năm 1999, Việt Nam bắt đầu tiến hành phân cấp quản lý rừng.
Chính vì vậy mà việc sử dụng ảnh Landsat, Spot và các loại tư liệu viễn thám khác để thành lập bản đồ lớp phủ rừng tỷ lệ 1/10.000, 1/25.000, 1/50.000 là rất cần thiết. Vấn đề này được thực hiện dần từng năm và bắt đầu từ năm 2002. Như vậy, việc ứng dụng viễn thám vào trong điều tra, quy hoạch và giám sát biến động tài nguyên rừng là rất cần thiết.
Rừng phòng hộ Cần Giờ có vị trí rất quan trọng đối với kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong những năm qua dưới tác động của con người và sự thay đổi điều kiện tự nhiên làm cho lớp thực phủ của rừng thay đổi. Việc giám sát biến động lớp thực phủ rừng phòng hộ Cần Giờ là hết sức cần thiết nhằm nắm được hiện trạng , quản lý, quy hoạch, phục hồi rừng. Từ đó em chọn đề tài “ Ứng dụng viễn thám giám sát biến động rừng Cần Giờ TP.HCM” làm luận văn tốt nghiệp.
Mục tiêu của đề tài viễn thám giám sát biến động rừng Cần Giờ
- Tìm hiểu ứng dụng về viễn thám quang học trong giám sát biến động
- Tìm hiểu cơ sở đánh giá biến động.
- Thu thập dữ liệu khu vực nghiên cứu.
- Ứng dụng viễn thám thành lập bản đồ thực phủ khu vực nghiên cứu.
- Ứng dụng viễn thám phân tích biến động lớp thực phủ rừng Cần Giờ.
- Đánh giá kết quả biến động.
Giới hạn của đề tài viễn thám giám sát biến động rừng Cần Giờ
Do thời gian nghiên cứu và thực hiện luận văn ngắn, nên trong luận văn còn hạn chế ở mức độ tìm hiểu và ứng dụng ban đầu. Luận văn chưa tìm hiểu thêm việc hiệu chỉnh bức xạ, hiệu chỉnh khí quyển…
Về mặt dữ liệu, khu vực nghiên cứu chỉ là một phần của huyện Cần Giờ và chỉ quan tâm đến chủng loại thực vật có nhiều ở rừng phòng hộ Cần Giờ là đước, chà là, mấm. Ngoài ra, dữ liệu ảnh năm 1989 và 2001 tương đối cũ cũng là một hạn chế trong luận văn.